Đọc hiểu Báo cáo tài chính – Phần 2: Tài sản ngắn hạn

Đối với mọi doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn: bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho và các tài sản dễ chuyển đổi thành tiền trong vòng một năm, là một phần không thể thiếu trong cơ cấu tài sản. Nhờ tính linh hoạt và khả năng thanh khoản cao, tài sản ngắn hạn không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định mà còn giúp ứng phó kịp thời với những biến động tài chính. Qua đó, tài sản ngắn hạn trở thành một công cụ tài chính chiến lược, tạo nên nền tảng bền vững cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa dòng tiền và phát triển lâu dài.

Bài viết ngày hôm nay sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tài sản ngắn hạn của một doanh nghiệp.

Mục đích của bài viết này:

  • Giúp các bạn hiểu về ý nghĩa các khoản mục: tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho (đây là những khoản mục trọng yếu của một doanh nghiệp).

  • Cách đối chiếu, kiểm tra và phân tích các khoản mục trên.

Chúng ta sẽ đi chi tiết vào nội dung:

1. Tài sản ngắn hạn ngắn hạn là gì ?

Tài sản ngắn hạn là các tài sản mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành tiền mặt hoặc sử dụng trong vòng một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh. Bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho, và các khoản đầu tư ngắn hạn, tài sản này giúp đảm bảo khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Câu hỏi: tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản thì tốt hay xấu ?

Câu trả lời: Việc một doanh nghiệp có tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao tổng tài sản thể hiện:

+ Tính thanh khoản cao: Doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và xử lý những chi phí đột xuất, giảm thiểu rủi ro về thanh khoản.

+ Chủ động đầu tư và mở rộng SXKD: Tài sản ngắn hạn cao giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động đầu tư kịp thời mà không phải phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài chính bên ngoài.

Tuy nhiên nếu khả năng quản lý không hiệu quả thì cũng sẽ dẫn đến những điểm hạn chế sau: Hiệu quả sử dụng vốn không cao: doanh nghiệp có thể không đầu tư đầy đủ vào tài sản dài hạn như máy móc, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng, có thể dẫn đến việc giảm khả năng mở rộng và tăng trưởng dài hạn.

2. Khoản mục: tiền và khoản tương đương tiền

Câu hỏi: tiền và khoản tương đương tiền thường chiếm tỷ trọng bao nhiêu % trong tổng tài sản là hợp lý ?

Câu trả lời: Tùy vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc thương mại mà sẽ có những nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, thông thường tỷ lệ 5%- 7%/tổng tài sản là lý tưởng. Tiền và khoản tương đương tiền nhằm đáp ứng kịp thời các khoản chi phí thanh toán, lương thưởng cho CBNV,…

Câu hỏi: tiền và khoản tương đương tiền được tạo ra từ đâu ?

Câu trả lời:

Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp có thể được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm:

  • Hoạt động kinh doanh chính: Doanh thu từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp là nguồn tiền quan trọng nhất, giúp tạo ra dòng tiền thường xuyên.
  • Thu hồi các khoản phải thu: Khi khách hàng thanh toán các khoản nợ hoặc doanh nghiệp thu hồi được các khoản phải thu, số tiền này sẽ gia tăng lượng tiền mặt của doanh nghiệp.
  • Bán tài sản: Doanh nghiệp có thể tạo ra tiền từ việc bán các tài sản cố định không còn cần thiết hoặc các khoản đầu tư dài hạn, nhất là khi cần tiền mặt cho các nhu cầu thanh khoản.
  • Vay vốn: Các khoản vay từ ngân hàng hoặc vốn huy động từ cổ đông mới. Đây là nguồn bổ sung khi doanh nghiệp cần vốn cho các kế hoạch đầu tư hoặc chi trả ngắn hạn.

3. Khoản mục các khoản phải thu

Các khoản phải thu ngắn hạn là các khoản tiền mà khách hàng hoặc các đối tác còn nợ doanh nghiệp và sẽ được thu hồi trong vòng một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh.

Đánh giá khoản phải thu như thế nào: Việc đánh giá khoản phải thu của một doanh nghiệp dựa trên chứng từ doanh nghiệp cung cấp: bảng kê chi tiết 331 để xác định được:

Dựa vào số dư cuối kỳ: Số lượng KH đang có công nợ với doanh nghiệp là bao nhiêu ?, khi số lượng khách hàng có công nợ càng nhiều thì mức độ phân tán rủi ro càng cao. Mỗi khách hàng, doanh nghiệp cho phép công nợ bao nhiêu ? (doanh nghiệp không nên cho phép công nợ/1 KH quá cao dẫn đến khó thu hồi và kiểm soát).

Dựa vào doanh số phát sinh trong kỳ: đánh giá các đối tác không phát sinh thanh toán công nợ, từ đó phân loại tuổi nợ nhằm có các phương án để thu hồi.

Đánh giá vòng quay khoản phải thu là bao nhiêu: Chỉ số này đo lường mức độ hiệu quả trong việc thu hồi các khoản phải thu, tính bằng cách chia doanh thu thuần / tổng các khoản phải thu. Chỉ số quay vòng cao cho thấy doanh nghiệp thu hồi tiền hiệu quả, trong khi chỉ số thấp có thể là dấu hiệu thu tiền chậm.

4. Hàng tồn kho

Hàng tồn kho là các sản phẩm, nguyên vật liệu hoặc hàng hóa mà doanh nghiệp đang sở hữu nhằm mục đích sử dụng cho quá trình sản xuất hoặc bán cho khách hàng. Hàng tồn kho có thể bao gồm: Nguyên vật liệu (Các loại vật liệu, linh kiện hoặc sản phẩm chưa qua chế biến, dùng để sản xuất hàng hóa hoàn chỉnh). Sản phẩm dở dang (Các sản phẩm đang trong quá trình sản xuất nhưng chưa hoàn thiện. Đây là các khoản chi phí đã phát sinh cho nguyên vật liệu, nhân công, và chi phí sản xuất nhưng sản phẩm chưa sẵn sàng để bán); Thành phẩm (Sản phẩm đã hoàn thành và sẵn sàng để bán cho khách hàng); Hàng hóa (Đây là các mặt hàng được doanh nghiệp mua về từ các nhà cung cấp để bán lại cho khách hàng mà không qua chế biến, sản xuất)

Đánh giá hàng tồn kho như thế nào: Dựa trên số liệu kèm bảng kê chi tiết hàng tồn kho

– Căn cứ số liệu số dư cuối kỳ: Đánh giá số lượng hàng tồn kho hiện tại, giá trị và đánh giá tổng thể trên cơ cấu tổng tài sản. Thông thường đối với các doanh nghiệp sản xuất: hàng tồn kho thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản. Bởi vì doanh nghiệp sản xuất có nhiều loại hàng tồn kho như nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm. Các doanh nghiệp này cần duy trì đủ hàng tồn kho để đảm bảo quy trình sản xuất không bị gián đoạn và đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.

– Giá bán của hàng tồn kho hiện tại so với giá thị trường là cao hơn hay thấp hơn: việc xác định đơn giá bình quân của các mặt hàng rất quan trọng trong việc đánh giá hàng tồn kho. Nếu như một doanh nghiệp có giá bán bình quân hàng tồn kho cao hơn giá bán trên thị trường thì có thể dẫn đến ứ đọng hàng hóa vì không bán được. Vì vậy đánh giá được giá bán là đánh giá được 50% năng lực HĐKD của doanh nghiệp.

– Số ngày tồn kho bình quân: Chỉ số này cho biết số lần hàng tồn kho được tiêu thụ hoặc bán hết trong một kỳ. Tỷ lệ quay vòng cao cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng vốn hiệu quả, tiêu thụ hàng nhanh chóng, giảm thiểu chi phí lưu kho.

– Căn cứ vào số phát sinh trong kỳ: đánh giá được các mặt hàng mà doanh nghiệp bán chạy, các mặt hàng không bán được. Để đưa ra các chính sách, quyết định kinh doanh phù hợp.

Tài sản ngắn hạn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng thanh toán và duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Qua việc đọc hiểu các mục tài sản ngắn hạn trong báo cáo tài chính, chúng ta có thể đánh giá được tình hình tài chính, khả năng quản lý dòng tiền và hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Việc nắm rõ các yếu tố như tiền và các khoản phải thu, hàng tồn kho giúp xác định mức độ rủi ro tài chính cũng như khả năng sinh lợi trong ngắn hạn. Do đó, việc phân tích tài sản ngắn hạn không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lâu dài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *